Huấn luyện là một trong những hoạt động đào tạo nhằm cung cấp những kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cho người học giúp họ có thể chủ động xử lý những tình huống, vấn đề gặp phải trong thực tiễn. Các hoạt động huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động (ATVSLĐ) làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi ứng xử chuẩn mực hơn trong công tác ATVSLĐ, là một trong những hoạt động phòng ngừa tích cực, đòi hỏi phải được quan tâm và ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATVSLĐ.

I. Đối tượng huấn luyện

Đối tượng huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 139, Điều 150 Bộ luật lao động, gồm các nhóm sau:

1. Nhóm 1: Người làm công tác quản lý

a. Giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp; người đứng đầu và cấp phó các chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp; người phụ trách công tác hành chính, nhân sự; quản đốc các phân xưởng hoặc tương đương;

b. Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã; chủ hộ kinh doanh cá thể; chủ hộ gia đình có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động;

c. Thủ trưởng và cấp phó: các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

2. Nhóm 2:

a. Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở;

b. Người làm công tác quản lý kiêm phụ trách công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

3. Nhóm 3:

Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vệ sinh lao động theo quy định trong thông tư 27/2013/TT – BLĐTBXH.

4. Nhóm 4:

Người lao động không thuộc 3 nhóm nêu trên (lao động là người Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động).

II. Nội dung huấn luyện:

1. Nhóm 1: được huấn luyện kiến thức chung chủ yếu sau đây:

a. Chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

b. Tổ chức quản lý và thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động ở cơ sở;

c. Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất và biện pháp khắc phục, phòng ngừa.

2. Nhóm 2: được huấn luyện kiến thức chung bao gồm:

a. Kiến thức chung như nhóm 1;

b. Nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại cơ sở;

c. Tổng quan về các loại máy, thiết bị, các chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn.

3. Nhóm 3: được huấn luyện kiến thức chung và chuyên ngành gồm:

a. Chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

b. Tổng quan về công việc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

c. Các yếu tố nguy hiểm, có hại khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

d. Kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

đ. Xử lý các tình huống sự cố sản xuất, sơ cứu tai nạn lao động.

4. Nhóm 4: Nội dung huấn luyện nhóm 4 gồm 2 phần sau:

a. Phần 1: Huấn luyện kiến thức chung về an toàn lao động, vệ sinh lao động (huấn luyện tập trung);

b. Phần 2: Yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *